(TTĐN) - Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD; trong đó xuất khẩu 355,5 tỷ USD, nhập khẩu 327,5 tỷ USD.
(TTĐN) - Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD; trong đó xuất khẩu 355,5 tỷ USD, nhập khẩu 327,5 tỷ USD.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 355,5 tỷ USD, nhập khẩu 327,5 tỷ USD. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 4,61 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 313,73 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 28,15 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, chiếm 2,5%. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 307,32 tỷ USD, chiếm 93,8%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 20,18 tỷ USD, chiếm 6,2%.
Thực trạng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023
Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều bất ổn cả về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng.
Kinh tế và thương mại toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, các quốc gia vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, hàng tồn kho ở một số nước ở mức cao, tổng cầu thế giới sụt giảm, đặc biệt là những tháng đầu năm dẫn tới đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam giảm 12,1%, nhập khẩu hàng hoá giảm 18,2%.
Trước thực trạng này, Chính phủ triển khai các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành xuất khẩu, bao gồm việc tăng cường giải ngân các gói tín dụng xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bám sát diễn biến tình hình biến động của kinh tế trong nước và thế giới, Bộ Công Thương đã linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Với sự nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành chức năng, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam có sự hồi phục vào những tháng cuối năm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 683,0 tỷ USD, giảm 6,4% so với năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.
Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2022 - 2023 (Tỷ USD; %)
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,2% so với năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%.
Trong năm 2023, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (giảm mặt hàng phân bón), chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2023 như: điện tử, máy tính, linh kiện ước đạt 57,3 tỷ USD (tăng 3,3%); điện thoại, linh kiện ước đạt 53,2 tỷ USD (giảm 8,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ khác ước đạt 43,2 tỉ USD (giảm 5,6%)...
Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam đã mang lại nhiều cơ hội về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD. Bên cạnh đó là các thị trường: Trung Quốc, EU-27, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Anh, Canada và Australia.
Nhìn chung, các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu thế giới giảm mạnh, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 1,37%; châu Âu giảm 6,58%; châu Mỹ giảm 12,34%; châu Phi tăng 3,71%; châu Đại dương giảm 2,66%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,7% so với năm 2022, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%. Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu giảm chủ yếu là do xuất khẩu hàng hoá gặp khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu giảm.
Bảng 2: Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2023 (Tỷ USD; %)
Phương tiện vận tải và phụ tùng
Trong năm 2023, có 44 mặt hàng nhập khẩu ước đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 307,32 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 20,18 tỷ USD, chiếm 6,2%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD chiếm chiếm tỷ trọng 33,80% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tiếp đến là các thị trường Hàn Quốc chiếm tỷ trọng 16,08%; ASEAN chiếm tỷ trọng 12,66%; Nhật Bản chiếm tỷ trọng 6,66%; Đài Loan, chiếm tỷ trọng 5,71%...
Triển vọng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024
Bảng 3: Một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn năm 2023 (Tỷ USD; %)
Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác
Kinh tế và thương mại toàn cầu có xu hướng phục hồi trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến lớn và khó lường, xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng; Cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn sẽ kéo theo sự phân mảnh về chính trị, công nghệ và kinh tế ngày càng rõ rệt hơn; Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, trở thành mục tiêu phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới; Xu hướng tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó tiến trình khu vực hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng và sẽ dần thay thế tiến trình toàn cầu hóa... Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Bối cảnh quốc tế và trong nước với nhiều cơ hội và thách thức đan xen sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024.
Dự báo, kinh tế và thương mại toàn cầu có xu hướng tăng trưởng tốt hơn so với dự báo của các tổ chức quốc tế, với sự nỗ lực từ phía các DN và các bên liên quan, xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam được kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2024. Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam năm 2024 sẽ tăng khoảng 6 - 8% so với năm 2023, đạt khoảng 723 - 738 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 7 - 9%, đạt mức 376 - 384 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng khoảng 5 - 7%, đạt mức 347 - 354 triệu USD.
Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sẽ tăng khoảng 16 - 18%, đạt khoảng 4,56 - 4,64 tỷ USD, chiếm 1,20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm này vẫn là xăng dầu và dầu thô.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ có những đóng góp ấn tượng và là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024. Các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao sẽ là rau quả, gạo, hạt điều, cà phê. Hàng thủy sản và cao su sẽ lấy lại đà tăng trưởng.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu. Các mặt hàng chủ lực của nhóm này là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, hàng dệt may, giày dép sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng cùng với dòng vốn đầu tư toàn cầu là một trong số những cơ hội để phát triển sản xuất, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh việc đàm phán và ký kết các FTA, cam kết cũng như liên kết thương mại với đối tác tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm lẫn thị trường, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết FTA để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu. Thêm vào đó, lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn, hàng tồn kho ở các nước có xu hướng giảm, nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường lớn có xu hướng tăng. Do đó, triển vọng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024 sẽ được mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ lấy lại đà tăng trưởng.
Cùng với triển vọng tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 7 - 9%, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024 được dự báo tăng trưởng khoảng 5 - 7% để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, sẽ tăng chủ yếu ở 03 nhóm hàng là nhóm nguyên liệu, vật liệu cơ bản thiết yếu; nhóm nguyên phụ liệu, phụ kiện và sản phẩm; và nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Nhóm nguyên liệu, vật liệu cơ bản thiết yếu sẽ hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này năm 2024 sẽ tăng khoảng 20 - 23%, đạt mức 74 - 76 tỷ USD, chiếm khoảng 21,50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Các mặt hàng chủ lực của nhóm này là sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, xăng dầu, dầu thô, hóa chất… sẽ có mức tăng trưởng khá để đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Nhóm nguyên phụ liệu, phụ kiện và sản phẩm sẽ hồi phục và tăng trưởng ở mức cao đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may, da giày, điện tử... Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này năm 2024 sẽ tăng khoảng 23 - 26%, đạt mức 58 - 59 tỷ USD, chiếm khoảng 16,80% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.
Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sẽ lấy lại đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 17 - 20%, đạt mức 44 - 45 tỷ USD, chiếm khoảng 12,80% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Việc ký kết nhiều FTA, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhập khẩu hàng hoá năm 2024 được dự báo sẽ hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng, nên kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chủ lực sẽ tăng trưởng khả quan như thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản…
Để xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng và bứt phá trong năm 2024, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; Cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững (thuỷ sản, lúa gạo…).
Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ vay vốn thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA.
Bên cạnh các nội dung trên, cần tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với vụ kiện; Đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội và ngành hàng về các thị trường, những thay đổi chính sách nhập khẩu, những quy định mới liên quan đến xuất nhập khẩu bền vững...
Doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới; Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam; Chú trọng đầu tư cho chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu; Chủ động kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu; Kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu; Tích cực tìm hiểu và cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu...
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2024